Ngành quản trị chất lượng giáo dục

Học ngành nào

Quản lý chất lượng giáo dục là gì?

Trong giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục chính là quản lý quá trình đào tạo ở các cấp học, bậc học, nhằm tạo ra nguồn lực lao động thích hợp và đáp ứng yêu cầu sử dụng. Sản phẩm của giáo dục tạo ra chính là nguồn nhân lực, chính vì vậy quản trị chất lượng giáo dục kiểm soát cả quá trình để đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông đang thiếu rất nhiều đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng, công tác khảo thí. Nhận thấy được vấn đề này, Trường ĐH giáo dục, ĐHQGHN đã tiên phong đào tạo cử nhân ngành quản trị chất lượng giáo dục. Chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng đổi mới giáo dục toàn diện kéo dài trong 4 năm với 134 tín chỉ. Khung kiến thức bao gồm các môn học lý thuyết và thực hành với chương trình được tham khảo từ các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học lớn trên thế giới. Ngoài kiến thức được trang bị, sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của giảng viên, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị chất lượng giáo dục, trang thiết bị học tập hiện đại, môi trường mở, năng động, hội nhập quốc tế.

Sinh viên theo học chương trình quản trị chất lượng giáo dục được tập trung phát triển nhóm kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nhận thức, kỹ năng bổ trợ. Các nhóm kỹ năng này giúp hình thành những năng lực cần thiết: hỗ trợ phát triển chuyên môn của các giáo viên, nhân viên; tổ chức, hỗ trợ và giám sát hoạt động dạy học và giáo dục; tư vấn cho lãnh đạo và quản lý nhà trường về quản trị trường học; hướng dẫn, tổ chức cho giáo viên và nhân viên thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục; hỗ trợ, tư vấn cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.

Đáp ứng các kỹ năng về ngoại ngữ, sinh viên ngành quản trị chất lượng giáo dục có cơ hội nghiên cứu và tiếp cận với các chuyên gia quốc tế; trở thành các chuyên viên cốt cán về công tác so chuẩn và xếp hạng đại học, hỗ trợ tối đa để nhà trường có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng, nâng cao vị thế nhà trường trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, cử nhân quản trị chất lượng giáo dục sẽ có cơ hội phát triển thành các chuyên gia đánh giá cơ sở giáo dục, chuyên gia đánh giá về chương trình đào tạo, các chuyên gia về công tác so chuẩn và xếp hạng đại học, chuyên gia khảo thí hoặc các vị trí bậc trung và bậc cao trong lĩnh vực quản trị đại học.

Học quản trị chất lượng giáo dục ra làm gì?

Tốt nghiệp chương trình cử nhân Quản trị chất lượng giáo dục, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Cụ thể:

1. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng nội bộ trong cơ sở giáo dục

Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, minh chứng thể hiện với các cơ quan có thẩm quyền hay xã hội biết về chất lượng của cở sở giáo dục. Đây là phương thức giúp các trường khẳng định chất lượng để có thể hội nhập, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

2. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá (trong nước và quốc tế) cho cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo

Việc tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thông qua các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá là cần thiết cho sự phát triển. Vì vậy, chuyên viên đảm bảo chất lượng cần hiểu rõ các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, nghiên cứu và đề xuất giải pháp giúp cơ sở giáo dục có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này.

3. Nhận diện và định vị hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở đối sánh với các khung chuẩn chất lượng giáo dục

Quá trình học tập tại Khoa Quản trị Chất lượng – Trường ĐH Giáo dục giúp sinh viên có hiểu biết tổng về những hoạt động đảm bảo chất lượng. Sử dụng kiến thức đã học để xác định các hoạt động tại các cơ sở giáo dục. So sánh, đối chiếu với các khung chuẩn về chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.

4. Tư vấn về phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá trong giáo dục

Tư vấn là hoạt động nhìn nhận và đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của chương trình đào tạo. Thông qua những hiểu biết về các nền giáo dục trên thế giới, bạn có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng của các chương trình ở nhiều mặt khác nhau, trong đó có phương pháp giảng dạy, từ đó xây dựng phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp với bối cảnh từng chương trình.

5. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và các dữ liệu khác phục vụ cho nghiên cứu và quản lý đảm bảo chất lượng.

Đây là công việc tiên quyết mà mỗi đơn vị làm công tác về đảm bảo chất lượng phải thực hiện. Việc thu thập và phân tích số liệu về đảm bảo chất lượng của đơn vị là vô cùng cần thiết; Các số liệu phản ánh rõ thực trạng của các đơn vị đào tạo, giúp đơn vị đảm bảo chất lượng chỉ ra sự thay đổi, điểm mạnh và điểm cần cải thiện của các cơ sở giáo dục.

6. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, theo dõi kiểm tra việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng ở các đơn vị trong trường

Đơn vị đảm bảo chất lượng có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra các đơn vị (khoa, bộ môn, phòng) định kỳ để có thể giúp các đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả.

7. Thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về xếp hạng, so chuẩn đối sánh và gắn sao đại học, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và gửi dữ liệu phục vụ xếp hạng tới các tổ chức xếp hạng

Sau tốt nghiệp, sinh viên có được hiểu biết tổng quát về các bảng xếp hạng đại học cũng như tìm hiểu về các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng của một số bảng đại học cụ thể, từ đó, giúp đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình tham gia gửi số liệu xếp hạng.

8. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên và công nhân viên trong toàn trường hoặc các đơn vị giáo dục khác về công tác đảm bảo chất lượng, đánh giá, tự đánh giá

Với kinh nghiệm và kiến thức thu được thông qua đào tạo và các hoạt động thực tế, các đơn vị về đảm bảo chất lượng đủ uy tín có thể thực hiện tập huấn cho các cán bộ, giảng viên…trong trường của họ hoặc của cả các đơn vị đào tạo, giáo dục khác để trao đổi, cung cấp những kiến thức cần thiết cho các cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng khi có nhu cầu.

9. Thực hiện các giao dịch đối ngoại, hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục (như AUN-QA, QS, THE, Webometrics …), với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam.

Hiện nay, mỗi trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều đang và sẽ tham gia vào các bảng xếp hạng và các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Phòng Đảm bảo chất lượng sẽ chịu trách nhiệm là đầu mối liên lạc, giao dịch và hợp tác với các tổ chức thực hiện xếp hạng các trường, mở rộng mối quan hệ và mạng lưới công việc.

10. Nghiên cứu, tìm kiếm, xúc tiến các cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục

Có thể nói nghề Đảm bảo chất lượng giáo dục đang là một nghề rất được quan tâm và vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và toàn xã hội nói riêng.

Chất lượng giáo dục theo cách nhìn của các nhà khoa học

Chất lượng giáo dục là gì?

Từ trước tới nay cụm từ này đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục và cũng gây tranh cãi nhiều trong dư luận – xã hội. Thế nhưng, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa nào thật hoàn chỉnh.

Từ cách nhìn khác nhau, mỗi nhóm người hay mỗi người cũng có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về chất lượng giáo dục. Chẳng hạn như: giáo viên đánh giá chất lượng học tập bằng mức độ mà học sinh nắm vững các kiến thức kỹ năng, phương pháp và thái độ học tập của cá nhân. Học sinh có thể đánh giá chất lượng học tập bằng việc nắm vững kiến thức và vận dụng vào thực hành các bài tập, bài kiểm tra, bài thi… Cha mẹ học sinh đánh giá chất lượng bằng điểm số kiểm tra – thi, xếp loại. Người sử dụng sản phẩm đào tạo thì đánh giá chất lượng bằng khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, khả năng thích ứng với môi trường…

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đản (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), chất lượng giáo dục là những lợi ích, giá trị mà kết quả học tập đem lại cho cá nhân và xã hội, trước mắt và lâu dài. Khái niệm trên được đúc kết từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ quản lý chất lượng, thì chất lượng giáo dục là học sinh vừa cần phải nắm được các kiến thức kỹ năng, phương pháp chuẩn mực thái độ sau một quá trình học; đáp ứng được các yêu cầu khi lên lớp, chuyển cấp, vào học nghề hay đi vào cuộc sống lao động…

Còn với góc độ giáo dục học thì chất lượng giáo dục được giới hạn trong phạm vi đánh giá sự phát triển của cá nhân sau quá trình học tập và sự phát triển xã hội khi họ tham gia vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế sản xuất, chính trị – xã hội, văn hóa – thể thao.

Nhìn từ mục tiêu giáo dục thì chất lượng giáo dục được quy về chất lượng hoạt động của người học. Chất lượng đó phải đáp ứng được các yêu cầu về mục tiêu của cá nhân và yêu cầu xã hội đặt ra cho giáo dục…

TS Tô Bá Trượng (Viện chiến lược và Chương trình giáo dục) thì cho rằng, chất lượng giáo dục là chất lượng con người được đào tạo từ các hoạt động giáo dục. Chất lượng ở đây phải được hiểu theo hai mặt của một vấn đề: Cái phẩm chất của con người gắn liền với người đó, còn giá trị của con người thì phải gắn liền với đòi hỏi của xã hội. Theo quan niệm hiện đại, chất lượng giáo dục phải bảo đảm hai thuộc tính cơ bản: tính toàn diện và tính phát triển.

Từ việc dẫn ra nhiều định nghĩa khác nhau về chất lượng giáo dục, PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cách hiểu phổ biến hiện nay về chất lượng giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu đề ra của giáo dục: Chẳng hạn mục tiêu giáo dục đại học toàn diện gồm có: phẩm chất công dân, lý tưởng, kỹ năng sống; tri thức (chuyên môn, xã hội, ngoại ngữ, tin học…) và khả năng cập nhật thông tin; giao tiếp, hợp tác; năng lực thích ứng với những thay đổi và khả năng thực hành, tổ chức và thực hiện công việc, khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm có ích cho bản thân và người khác… Hoặc mục tiêu giáo dục là nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần nhanh chóng xây dựng chuẩn cho nền giáo dục

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục thì nước ta hiện nay còn thiếu nhiều chuẩn trong giáo dục. Cần phải xúc tiến khẩn trương việc nghiên cứu chuẩn hóa nền giáo dục để đưa ra chuẩn cụ thể đánh giá chất lượng của các lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục hiện nay ở nước ta cũng đang là một vấn đề gây nhiều tranh luận và chưa có sự thống nhất.

Qua nghiên cứu của các chuyên gia Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, thì khung lý thuyết đánh giá tình hình giáo dục và chất lượng cơ sở, giáo dục gồm có 14 tiêu chí như: dân cư; chính sách phát triển giáo dục cấp, bậc học; nhận thức và thái độ của cộng đồng về giáo dục tình trạng phát triển kinh tế xã hội của địa phương; người học; chương trình giáo dục; người dạy; đầu tư cho giáo dục; cơ sở vật chất kỹ thuật; bộ máy quản lý trường, hoạt động giáo dục; hoạt động khai thác và sử dụng nguồn lực; sự phát triển của người học, sự phát triển của người dạy và lợi ích xã hội.

Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng giáo dục, người ta thường tập trung vào một số tiêu chí, chỉ số cơ bản của chất lượng giáo dục đó là: đầu tư ngân sách cho giáo dục, tỷ lệ nhập học trong độ tuổi, tỷ lệ lưu ban, bỏ học; tỷ lệ hoàn thành cấp học; thời lượng học tập của học sinh, tình trạng đội ngũ giáo viên, đạo đức của người học, mức độ nhận thức, kỹ năng và thể lực của người học và tình trạng người học tốt nghiệp có việc làm và đáp ứng yêu cầu của công việc.

Theo TS Nguyễn Anh Dũng (Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục) thì đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông cần dựa vào các tiêu chí như chất lượng đầu vào, quá trình giáo dục và chất lượng đầu ra của sản phẩm được giáo dục đào tạo. Trong đó chú ý các yếu tố tác động như nội dung chương trình và sách giáo khoa; số lượng cơ cấu và chất lượng nghề nghiệp của giáo viên; phương pháp và thiết bị giáo dục và công tác kiểm tra đánh giá việc học tập của học sinh.

Qua nghiên cứu về chất lượng giáo dục trung học chuyên nghiệp, PGS.TS Nguyễn Đức Trí (Viện Chiến lược và chương trình giáo dục) đã có quan niệm rằng, chất lượng giáo dục được đánh giá bằng đầu vào, đầu ra (sản phẩm của giáo dục); “giá trị gia tăng” (sự tăng trưởng trong phát triển trí tuệ và nhân cách người học); giá trị học thuật – tri thức (đội ngũ giáo viên của trường có chất lượng, có uy tín thì trường được xem là có chất lượng)…

Giáo viên là yếu tố hàng đầu nâng cao chất lượng giáo dục

Để nâng cao chất lượng giáo dục, theo TS Nguyễn Anh Dũng (Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục) thì cần phải tiến hành đổi mới chương trình giáo dục. Đồng thời ưu tiên giải quyết đồng bộ các khâu đào tạo bồi dưỡng sử dụng đãi ngộ và kiểm tra đánh giá đội ngũ giáo viên. Thứ hai là phải đẩy mạnh quản lý giáo dục, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp quản lý, xây dựng và thực hiện chuẩn giáo dục, tăng cường thanh tra chuyên môn và đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất.

Qua nghiên cứu thực trạng chất lượng giáo viên, nhóm nghiên cứu gôm các đồng chí PGS.TS Nguyễn Ngọc Hợi; PGS.TS Phạm Minh Hùng và TS Thái Văn Thành (Đại học Vinh) cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Các nhà nghiên cứu này cho rằng, những yếu tố tạo thành chất lượng giáo dục gồm có: giáo viên, chương trình và sách giáo khoa; Phương pháp dạy học; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Trong đó, giáo viên là yếu tố có vai trò quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo viên thì cần phải đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây dựng hệ thống chính sách cho giáo viên; xây dựng cơ chế tuyển chọn, đánh giá giáo viên và quản lý toàn diện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì cần phải tăng cường đầu tư cho giáo dục, kết hợp với nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập để phát huy khả năng thích ứng của người học với môi trường. Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động giáo dục cần phải gắn chặt với thị trường lao động của xã hội để giáo dục, đào tạo nên những con người dễ dàng nắm bắt và thích ứng với công việc sau khi đã được giáo dục, đào tạo.